Sàn nhựa và sàn gỗ công nghiệp đều có những ưu, nhược điểm riêng.

Sàn nhựa có nguyên liệu chính là nhựa PVC, bột đá cùng các chất phụ gia khác. Ưu điểm là khả năng chịu nước tốt, không bị mối mọt, ít co giãn và đa dạng về màu sắc. Trong các công trình nhà dân dụng, loại sàn này được ưu tiên dùng ở các khu vực có độ ẩm cao như bếp, khu giặt giũ… hay nhà mặt đất gần sông, hồ.

Về nhược điểm, sàn nhựa mỏng nên dễ bị hư hại khi va chạm với vật nặng, độ bền không cao. Trước kia sàn nhựa hay dùng cho khu vực công cộng, bề mặt màu sắc đơn giản. Gần đây, vật liệu này được sử dụng phổ biến hơn trong công trình dân dụng nhưng bề mặt vân gỗ vẫn chưa được đẹp và phong phú.

Sàn gỗ công nghiệp cấu tạo chính gồm cốt nền HDF (tấm ván được tạo thành từ sợi gỗ có mật độ cao), lớp bề mặt melamin hoặc laminate phủ oxit nhôm. Ưu điểm là màu sắc và vân gỗ nhìn sắc nét, chân thực, mẫu mã đa dạng, đặc biệt phù hợp với những ai thích lát sàn dạng xương cá. Vì dày dặn nên khi đi lại có cảm giác êm, chắc chân, thoải mái hơn. Loại sàn này cũng được đánh giá cao về tính bình ổn nhiệt, cho cảm giác ấm áp vào mùa đông và mát về mùa hè. So với sàn nhựa, sàn gỗ công nghiệp có tính co ngót và giãn nở, chịu nước kém hơn.

Căn hộ của bạn nằm ở tầng 8 – vị trí cao ráo, không sợ mối mọt và mức đầu tư tầm khá thì hoàn toàn có thể lựa chọn sàn gỗ công nghiệp loại chịu nước tốt. Với 65 m2, giá thị trường trung bình khoảng 400.000 – 500.000 đồng một m2, bạn sẽ cần bỏ chi phí từ 26 – 32 triệu đồng. Tuy nhiên, bạn nên lựa chọn các thương hiệu uy tín, nguồn gốc rõ ràng, lưu ý tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, các tiêu chuẩn về độ độc hại, khả năng chống xước, chịu nước đã được nhà sản xuất công bố rõ ràng.